Những lưu ý về cúng giao thừa năm Canh Tý 2020
Theo tham khảo của một số chuyên gia văn hoá, để nghi lễ cúng giao thừa được diễn ra đúng chuẩn nhất, gia chủ cần lưu ý một số vấn đề.
1. Mâm cỗ cúng “hút lộc” 2020
Với người dân Việt Nam, Giao thừa cũng là giờ phút thiêng liêng đất trời chuyển sang năm mới. Vì vậy, việc chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa được đa số các gia đình Việt Nam chuẩn bị rất công phu. Lễ vật của mâm cỗ cúng ngoài trời và trong nhà tương tự nhau. Song lễ to hay nhỏ không quan trọng mà điều quan trọng là lòng thành kính của gia chủ.
– Mâm cỗ cúng Giao thừa ngoài trời
Mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời gồm có một con gà trống hoa luộc nguyên con có mào cờ, mỏ ngậm bông hoa hồng; một đĩa xôi gấc (hoặc bánh chưng), bánh trái, ngũ quả, rượu, trà, quả cau, lá trầu, muối, gạo, nhang, đèn.
Bên cạnh đó, năm Canh Tý 2020 thuộc hành Kim nên gia chủ chuẩn bị quần áo , mũ, ủng là màu Vàng. Ngoài ra, các gia đình thường có lá sớ để hóa cùng với vàng tiền và đồ mã.
– Mâm cỗ cúng Giao thừa trong nhà
Các chuyên gia cho rằng, mâm cỗ cúng Giao thừa ngoài trời là cúng trời, Phật, quan, thần, cầu cho quốc thái dân an, cầu sức khỏe, bình an cho gia đình. Còn mâm cỗ trong nhà để cúng tổ tiên ông bà cầu xin những điều tốt lành sẽ đến với gia đình trong năm mới. Vì thế cách chuẩn bị mâm cỗ cũng có một chút khác biệt.
Lễ vật cúng giao thừa trong nhà gồm: Mâm ngũ quả, hương, hoa, đèn nến, bánh kẹo, mứt tết, rượu, trầu cau.
Mâm cỗ truyền thống cúng gia tiên theo khả năng của mỗi gia chủ có thể gồm: Bánh chưng, giò/chả, thịt gà, canh măng, canh bóng, nem rán, nộm, đĩa xào, cơm
trắng…Sau khi cung kính bày lễ lên bàn thờ gia tiên, đốt đèn nến, thắp hương, gia chủ thành kính đọc văn khấn.
Nếu cúng cỗ mặn hoặc cỗ chay thì nên để ở bàn nhỏ bên dưới ban thờ chính. Trên ban thờ chính chỉ để hoa tươi, tiền vàng, bánh chưng và xôi chè.
Tránh cắm cành vàng lá ngọc lên bàn thờ bởi chúng có chứa nhiều khí âm không tốt cho gia chủ. Ngoài ra, cần tránh đốt tiền vàng trong lễ cúng giao thừa để tránh các vong âm lai vãng tụ lại.
2. Ai cúng giao thừa là chuẩn nhất?
Người cúng (khấn) giao thừa thường là người chủ gia đình, bởi đây là lễ cúng đem lại bình an, hạnh phúc, thịnh vượng cho cả gia đình trong năm mới.
Người đứng ra làm lễ cúng giao thừa cần tắm rửa sạch sẽ, kiêng chuyện chăn gối trước 2 ngày. Đồng thời, họ không được ăn các món tứ linh, không ăn cá chép, thịt chó, thịt mèo để tránh phạm ngũ phương long mạch linh thần.
3. Thời gian cúng giao thừa đúng nhất
Theo quan niệm dân gian, gia chủ nên tiến hành lễ cúng giao thừa vào khoảng từ 23 giờ 10 phút đêm ngày 30 Tết đến 0 giờ 40 phút ngày mùng 1 Tết.
Khi hương cháy được khoảng 1/3 hoặc khoảng 12 giờ đêm thì gia chủ có thể tiến hành hoá vàng. Lưu ý, nên hoá vàng lúc hương còn cháy thì mới linh.
4. Cúng giao thừa ngoài trời đối với nhà chung cư
Theo quan niệm dân gian, nghi lễ cúng ngoài trời hướng tới Ngọc Hoàng và quan Hành Khiển được phân nhiệm vụ trông coi nhân gian trong năm. Vì thế, nghi thức này phải được thực hiện ở nơi vừa có trời, vừa có đất.
Gia chủ ở chung cư muốn cúng giao thừa ngoài trời thì có thể xuống sân của chung cư đang ở, chứ không nên làm lễ ở tầng thượng hoặc ngay ngoài hành lang của nhà mình.