Đăng ký thành công

Nguyên nhân thuốc kém chất lượng vẫn còn tồn tại?

Thứ Ba, 22/01/2019, 16:26 2956 Views

Tại sao thuốc kém chất lượng vẫn tồn tại gây ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh?

Thuốc không đạt tiêu chuẩn là thuốc như thế nào?

Thuốc không đạt chuẩn hay kém chất lượng là thuốc có chứa hoạt chất nhưng không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Thuốc kém chất lượng có thể là thuốc có chứa hoạt chất nhưng thấp không đúng với hàm lượng thuốc đã đăng ký.

Những loại thuốc không đăng ký thương hiệu, đăng ký mã vạch sản phẩm để cơ quan chức năng và người bệnh có thể minh bạch thông tin cũng là một khía cạnh cho thấy sự không đạt chuẩn của các cơ sở sản xuất.Không một loại thuốc nào đảm bảo sự an toàn, chuẩn chất lượng mà không dám công khai thành phần, tên nhà sản xuất, giá cả, địa chỉ doanh nghiệp sở hữu lên cả.

Liên tục trong những tháng đầu năm nay, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã “mạnh tay” loại bỏ những loại thuốc kém chất lượng ra khỏi thị trường thuốc Việt Nam. Nhưng liệu việc kiểm soát chất lượng thuốc có dễ không? Và vấn nạn nhập lậu thuốc, thuốc kém chất lượng đến bao giờ mới hết ám ảnh người bệnh?

Ngay trong những tháng cuối năm 2018, lực lượng chức năng đã phát hiện 57.000 viên thuốc tân dược không rõ nguồn gốc được vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ. Trong tháng 12, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã ra quyết định rút các thuốc chứa hoạt chất Gatifloxacin ra khỏi danh mục thuốc được cấp số đăng ký tại Việt Nam, bởi đây là chất thuộc danh mục nguyên liệu và thuốc thành phẩm cấm nhập khẩu để làm thuốc dùng cho người.

Trước đó, qua mẫu kiểm nghiệm hai loại thuốc chỉ định điều trị các bệnh lý loét dạ dày, tá tràng, trào ngược thực quản là Pantopep-Dol (Pantoprazol 40mg do Công ty Zim Laboratories Ltd., India sản xuất) và thuốc Pantocid (Pantoprazole tablets 40mg do Công ty Sun Pharmaceuticals Ind. Ltd., India sản xuất) cho thấy không đạt chỉ tiêu chất lượng nên đã bị đình chỉ lưu hành trên toàn quốc. Cục Quản lý dược cũng có văn bản yêu cầu đình chỉ và thu hồi 38 loại thuốc chứa Lysozym với lý do hoạt chất này không có lợi ích trong điều trị cao hơn so với nguy cơ do thuốc gây ra.

Hậu quả khôn lường khi uống phải thuốc không đạt chuẩn

Hậu quả khôn lường khi uống phải thuốc không đạt chuẩn

Theo các chuyên gia y tế, sử dụng thuốc kém chất lượng, thuốc giả khiến cả bác sĩ và người bệnh đều gặp thất bại trong điều trị. Thuốc nào cũng có thể gây ra những phản ứng có hại. Tuy nhiên, nếu tác dụng có hại của thuốc thật với tỷ lệ nằm trong khoảng 1/10.000-1/100.000 thì nguy cơ của thuốc trôi nổi lên đến 1/10, trong đó nguy hiểm nhất là ngộ độc và dị ứng thuốc.

Người bệnh luôn đối mặt với những di chứng khó lường khi sử dụng thuốc quá hạn sử dụng, thuốc kém chất lượng, thuốc giả. Bởi chúng không chỉ tác hại lớn đến sức khỏe như: Phản ứng dị ứng, nhiễm độc kim loại nặng, dễ kháng thuốc… mà còn gây vô hiệu hóa các giải pháp điều trị, khiến người bệnh dễ tử vong.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG), trung bình mỗi năm, trên thế giới có khoảng 200.000 người chết do thuốc giả, kém chất lượng. Mặc dù TCYTTG đánh giá Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ thuốc giả còn thấp, nhưng do thói quen mua, bán thuốc không có đơn thuốc của bác sĩ, mua không cần xuất hóa đơn, thậm chí không tra cứu xuất xứ sản phẩm, nước ta lại là nơi thuận lợi cho thuốc các loại thuốc lậu, kém chất lượng tung hoành.

Thuốc không đạt chuẩn thường có chứa lượng hoạt chất ít hoặc nhiều hơn hàm lượng quy định, không có hoạt chất hoặc là chứa một thành phần hoạt chất khác. Điều rõ ràng là trong tất cả các tình huống này, việc sử dụng loại thuốc trên sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người sử dụng và thậm chí có thể đến mức gây tử vong.

Hãy tưởng tượng trường hợp bệnh nhân tiêu tốn nhiều tiền bạc để dùng thuốc điều trị bệnh hiểm nghèo với hy vọng cải thiện phần nào đó tình trạng sức khoẻ của mình và rồi sau đó biết rằng thuốc mình đang sử dụng hoàn toàn không chứa dược chất gì cả? Lúc này người bệnh không chỉ tiếp tục phải đối diện với bệnh tật mà còn có thể là sự nghèo đói và cả niềm tin bị đánh mất theo các sản phẩm thuốc giả đó.

Tại sao thuốc kém chất lượng vẫn có thể tồn tại?

1.Sự bất cập trong cơ chế quản lý

Lý giải về tình trạng thuốc nhập lậu, thuốc trôi nổi vẫn còn tồn tại trên thị trường, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất là do cơ chế phối hợp và chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm còn nhẹ.

Do hoạt động rời rạc, thiếu sự đồng bộ về chất lượng cũng như số lượng, chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan lại chồng chéo nên dù chịu sự kiểm tra của nhiều cơ quan nêu trên nhưng thuốc kém chất lượng vẫn tràn ngập trên thị trường.

Đứng trước thực trạng trên, thiết nghĩ, cần có những giải pháp theo dõi và ngăn chặn kịp thời thuốc không đạt chuẩn để không lưu hành rộng rãi trên thị trường. Việc thông tin về thuốc giả, thuốc bị thu hồi, các thuốc kém chất lượng cần được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả.

Các trung tâm hoặc viện kiểm nghiệm nên tăng cường lấy mẫu kiểm tra đánh giá chất lượng thuốc, phát hiện và thu hồi kịp thời thuốc kém chất lượng để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người bệnh.

Ngoài ra, các quy định pháp luật về xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả cần chặt chẽ để đủ sức răn đe với loại hình tội phạm này.

2. Sự tiếp tay của người tiêu dùng 

Tâm lý ham rẻ, hay do sự bất cẩn, không kiểm tra thật kĩ thông tin thuốc trước khi mua là một trong số các nguyên nhân tồn tại thuốc không đạt tiêu chuẩn.

Bên cạnh một số người mua lầm phải thuốc giả do không thể phân biệt được đâu là hàng đảm bảo, đâu là hàng không đảm bảo thì vẫn có không ít người tiêu dùng biết mình đang mua bán thuốc lậu, kém chất lượng nhưng vẫn chấp nhận bởi loại thuốc này này phù hợp với túi tiền của họ.

Khi bình luận về vấn đề này ở một bài báo đã viết rằng “Có những món hàng tôi biết đó là hàng nhập lậu tôi vẫn mua vì giá quá rẻ, mua một lần dùng được thời gian lâu. Luật pháp còn chưa động tới thì tôi vẫn xài loại thuốc này thôi vì tôi không có nhiều tiền để mua hàng thật và cũng không thấy tác dụng phụ của thuốc”. Với cách nghĩ như vậy, nhiều người đã gián tiếp tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái trong việc phân phối và tiêu thụ để rồi ngày càng chiếm thị phần trên thị trường.

Người tiêu dùng phải hết sức thận trọng trong quá trình mua thuốc

3. Doanh nghiệp còn thờ ơ trước nạn hàng giả

Vai trò tham gia của doanh nghiệp – chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ trong công cuộc chống hàng giả, hàng kém chất lượng là rất quan trọng. Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng đã quy định đây không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp trong công tác phối hợp và hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật.

Sự liên minh giữa các nhà sản xuất trong đấu tranh chống thuốc nhập lậu, thuốc không rõ xuất xứ cần tích cực hơn nữa. Doanh nghiệp không được buông lỏng trong quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hoá của mình, không nên coi việc chống hàng hóa kém chất lượng là của các cơ quan thực thi pháp luật. Khi bị xâm phạm nhãn hiệu, chủ sở hữu cần chủ động gửi đơn khiếu nại hoặc thông qua văn phòng luật sư để khiếu nại lên Cục Sở hữu Trí tuệ.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên chủ động ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại nhất để bảo vệ sản phẩm cũng như người tiêu dùng. Đó có thể là đăng ký tem truy xuất thông tin sản phẩm, tem chống hàng giả, tem truy xuất nguồn gốc….vvvv

Tóm lại, cuộc đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nói chung và lĩnh vực thuốc nói riêng là công việc không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân mà phải là công việc của toàn xã hội.

Trước hết là cần hoàn thiện các quy định của pháp luật, phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan thực thi pháp luật, nâng cao ý thức của tổ chức và cá nhân. Có làm được như vậy thì mới từng bước đẩy lùi được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang tràn lan hiện nay.

Call Now