Hướng dẫn cách kiểm tra bằng lái xe thật giả, check mã QR.
Giấy phép lái xe (GPLX) được biết đến là loại giấy tờ mà bất kỳ ai sử dụng phương tiện giao thông đều phải có, theo đúng quy định của pháp luật hiện nay. Tuy nhiên, bạn chắc hẳn không ngờ đến, GPLX cũng có thể làm giả cực kỳ tinh vi, nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu mua và sử dụng của một số khách hàng.
Thậm chí, nhiều người làm giả GPLX nhằm mục đích xấu như cầm đồ, lừa đảo,… Vậy nên, việc kiểm tra bằng lái xe thật giả cực kỳ quan trọng và cần thiết. Cách phân biệt bằng lái xe thật giả như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết ngay trong bài viết sau đây.
Nội dung bài viết
Kiểm tra bằng lái xe bằng mắt thường
Với cách kiểm tra giấy phép lái xe thật hay giả bằng mắt thường, bạn có thể dựa vào những mẹo đơn giản sau đây:
– Cách 1: Bạn có thể nhìn vào tem dán hình tròn trên góc phía dưới bên phải ngay trên GPLX. Khi kiểm tra, bạn sẽ nhìn nghiêng nhiều mặt con tem đó, nếu thấy được dòng chữ “đường bộ Việt Nam”, đó là bằng thật được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền. Ngược lại nếu không có thì khả năng cao sẽ là bằng giả cần phải lưu ý.
– Cách 2: Theo một số mẹo check bằng lái xe được nhiều cao thủ chia sẻ đó chính là dãy số trên GPLX, hãy chú ý đến số thứ 4 và thứ 5 nếu trùng với hai số cuối của năm thi đậu bằng lái xe thường sẽ là bằng thật.
Ví dụ nếu bạn đậu bằng lái xe vào năm 2020 thì thường mã số in trên GPLX của bạn là xxx20xxxxxx. Ngược lại, nếu không trùng thì khả năng cao đó là bằng giả, không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Đối với cách nhận biết bằng lái xe giả bằng mắt thường chỉ áp dụng đối với loại GPLX PET, cũng như độ chính xác không được cao nên bạn có thể cân nhắc.
Tra cứu giấy phép lái xe online trên trang thông tin Giấy phép lái xe
Để giúp người dân có thể kiểm tra bằng lái xe a1, Bộ ban ngành đã phát triển website trực tuyến với cách tra cứu đơn giản như sau:
Bước 1: Bạn truy cập vào đường link: www.gplx.gov.vn. Đây chính là trang tra cứu GPLX của Tổng Cục Đường Bộ Việt Nam, được Bộ GTVT Việt Nam giám sát. Khi tra cứu thông tin tại đây, bạn hoàn toàn kiểm tra số bằng lái xe thật giả dễ dàng, chính xác nhất.
Bước 2: Nhập mã số trên GPLX của bạn vào mục ô trống bên tay trái trên bàn hình. (Trong trường hợp nhập mã số không hợp lệ, bạn có thể thử lại hoặc kiểm tra qua số CMND)
Bước 3: Trong mục “Loại GPLX”, lựa chọn loại giấy phép tương ứng như A1, B1, C1,… và điền đúng ngày/tháng/năm sinh chính xác theo cấu trúc sau:
– Nếu là thẻ Pet: yyyyMMdd – nghĩa là năm – tháng – ngày viết liền nhau. Ví dụ: Bạn sinh ngày 20/02/1990 thì nhập vào dãy số 19900220.
– Nếu là thẻ cũ: yyyy – cách nhập tương ứng: Năm sinh (nhập đủ 4 số)
Bước 4: Nhập mã capcha và thực hiện bấm “Tra cứu”
Sau khi hoàn tất, trên màn hình sẽ hiển thị những thông tin liên quan tới GPLX mà bạn cung cấp. Sau đó hãy xác minh lại tất cả bằng việc đối chiếu mã số seri, ngày cấp, họ tên, ngày tháng năm sinh. Nếu trùng khớp với dữ liệu của bạn thì đó là bằng thật. Ngược lại, nếu kết quả tra cứu không trùng khớp thì khả năng bằng lái xe của bạn đang sử dụng có khả năng là giả.
Trong trường hợp nếu không máy giấy tờ đăng ký làm GPLX bị mất hư hỏng bạn hoàn toàn có thể xin cấp lại tại cơ quan có thẩm quyền mà không cần phải thi lại.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp bạn đã thực hiện đủ các bước trên, nhập đúng thông tin nhưng màn hình hiển thị “Không tìm thấy số GPLX đã nhập”, rất có thể:
– Trường hợp 1: Nếu bạn thực sự đã thi GPLX chính thống, nhưng thông tin chưa được cập nhật trên hệ thống. Lúc này, bạn nên liên hệ trực tiếp tới Sở GTVT đã thi trước đó để được kiểm tra lại.
– Trường hợp 2: Nếu bạn mua bằng (đồng nghĩa bạn không tham gia thi sát hạch chính thức), thì chắc chắn bằng của bạn là bạn giả.
Cách Check bằng lái xe thật giả bằng quét mã QR code
Theo quy định mới nhất của Bộ GTVT, từ ngày 1/6/2020 bằng lái xe phải được dán thêm mã QR Code để phục vụ quá trình tra cứu thông tin và quản lý. Vậy nên, thay vì phải tốn nhiều thời gian để đối chiếu bằng mắt thường, thao tác rườm rà trên website, giờ đây bạn đã có thể tham khảo ngay cách kiểm tra bằng lái xe thật hay giả bằng mã QR Code trên chính điện thoại ngay sau đây.
Quét mã bằng lái xe mô tô bằng app Zalo
Zalo là một trong những ứng dụng mạng xã hội của Việt Nam, có tính năng quét mã QR để bạn tham khảo. Để quét mã bằng lái xe thì bạn chỉ cần mở ứng dụng Zalo, sau đó bấm vào mục “Thêm” và chọn “quét mã QR”.
Lúc này chỉ cấn hướng camera về phía mã QR Code dán trên GPLX để tiến hành tra cứu thông tin. Ngay sau khi quét mã, màn hình sẽ hiển thị một số thông tin liên quan như: họ tên, ngày tháng năm sinh và loại bằng lái.
Kiểm tra bằng lái xe thật giả bằng phần mềm iCheck
iCheck được biết đến là ứng dụng quét mã vạch, QR Code hàng đầu tại Việt Nam. Thông thường, bạn tìm đến ứng dụng này nhằm mục đích check, kiểm tra thông tin sản phẩm dựa trên nền tảng QR Code, mã vạch.
Tuy nhiên, với những sản phẩm được dán QR Code như GPLX thì iCheck Scan hoàn toàn có thể quét được. Ứng dụng này tương thích với cả hệ điều hành iOS và Android.
Ngay sau khi tải ứng dụng về điện thoại, màn hình sẽ hiển thị ngay giao diện quét mã, bạn chỉ cần hướng camera về phía mã QR Code trên GPLX sẽ nhanh chóng tra cứu được thông tin liên quan như: họ tên, ngày tháng năm sinh và loại bằng lái, ngày tháng năm cấp,… Để bạn có thể nắm rõ.
Nhận biết bằng lái xe máy qua ứng dụng Barcode Việt
Barcode Việt cũng là một ứng dụng quét mã vạch, QR Code được đánh giá cao về tính năng quét mã. Ngay sau khi tải và mở ứng dụng, ngay trên màn hình bạn chỉ cần chọn vào biểu tượng quét mã QR ngay trên giao diện chính. Sau đó hướng camera vào ngay mã QR code trên bằng lái. Mất khoảng 2 – 3 giây, màn hình sẽ hiển thị thông tin liên quan tương tự với app iCheck để bạn tham khảo.
Những lưu ý khi kiểm tra các loại bằng lái ô tô xe máy
Trong quá trình kiểm tra bằng lái xe bằng mã QR thì bạn cần phải lưu ý một số vấn đề sau:
Quét mã QR bằng lái xe ra những thông tin gì?
Khi quét mã qr bằng lái xe, bạn sẽ nhận được các thông tin bao gồm: Số hiệu bằng lái, họ tên, ngày tháng năm sinh của chủ thẻ, loại (Hạng) bằng lái. Dựa vào những thông tin này, cũng đủ giúp bạn kiểm tra bằng lái xe thật giả dễ dàng.
Bằng lái xe không có mã QR có phải là bằng giả không?
Theo quy định mới của Bộ GTVT, mọi bằng lái xe mô tô, xe 4 bánh, a1, a2, b2, c,… được cấp sau ngày 1/6/2020 sẽ bắt buộc có mã QR phía mặt sau của thẻ. Nếu từ thời điểm này trở đi, người tham gia giao thông thi và nhận bằng lái xe không có mã QR in trên thẻ thì khả năng cao đó là bằng giả. Lúc này, bạn nên liên hệ trực tiếp với địa điểm đã thi bằng lái để kiểm tra và đối chiếu lại.
Còn trường hợp bằng lái xe được cấp trước ngày 1/6/2020 sẽ không có mã QR, nên giá trị vẫn có thể sử dụng cho đến thời điểm hết hạn. Lúc này, bạn sẽ phải phân biệt bằng lái xe thật giả bằng cách lên website của Tổng Cục Đường Bộ để xác định chính xác nhất.
Giấy phép lái xe cũ có phải đổi sang loại có QR code không?
Theo công văn số 3312/TCĐBVN-QLPT&NL ngày 25/5/2020 của Bộ GTVT, các sở GTVT bắt buộc phải in mã QR Code lên mặt sau của bằng lái xe của người tham gia giao thông đã thi sát hạch theo đúng quy định. Mục đích của việc dán mã QR Code chính là giúp các cơ quan có thẩm quyền dễ dàng liên kết trực tiếp tới thông tin quản lý GPLX và tra cứu thông tin xác thực nhanh chóng.
Trường hợp, những GPLX được cấp trước ngày 1/6/2020 không nhất thiết phải đổi sang loại có QR Code vẫn có giá trị sử dụng nếu còn hạn. Trong trường hợp, nếu bằng đã hết hạn bắt buộc người dùng phải đổi sang loại bằng lái xe có mã QR code đã quy định. Chi phí cấp mới theo đúng quy định hiện hành, cùng với thủ tục thực hiện khá đơn giản, không tốn nhiều thời gian.
Sử dụng giấy phép lái xe giả bị phạt thế nào?
Mức phạt tiền đối với hành vi sử dụng giấy phép lái xe giả được quy định tại khoản 5, 7, 8 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi sau:
+ Sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp;
+ Sử dụng Giấy phép lái xe không hợp lệ (Giấy phép lái xe có số phôi ghi ở mặt sau không trùng với số phôi được cấp mới nhất trong hệ thống thông tin quản lý Giấy phép lái xe).
– Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh thực hiện một trong các hành vi sau:
+ Sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp;
+ Sử dụng Giấy phép lái xe không hợp lệ (Giấy phép lái xe có số phôi ghi ở mặt sau không trùng với số phôi được cấp mới nhất trong hệ thống thông tin quản lý Giấy phép lái xe).
– Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô sử dụng Giấy phép lái xe không hợp lệ (Giấy phép lái xe có số phôi ghi ở mặt sau không trùng với số phôi được cấp mới nhất trong hệ thống thông tin quản lý Giấy phép lái xe).
– Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp.