ĐIỂM TIN CHUYỂN ĐỔI SỐ THÁNG 6
Dịch bệnh kéo dài đã làm cho “hệ miễn dịch” của doanh nghiệp trong và ngoài nước dần suy yếu, gây xáo trộn và ảnh hưởng tới mọi hoạt động kinh tế. Đứng trước thực trạng này, nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Thậm chí, nhiều công ty đang coi việc chuyển đổi số, số hóa phương thức hoạt động không chỉ để thích ứng với tình hình khó khăn của đại dịch, mà còn là hướng đi mới phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này.
Tháng 6 được xem là thời điểm dịch bùng phát mạnh mẽ tại Việt Nam, song song với đó xu hướng chuyển đổi số của các doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh hơn. Điều này được thể hiện rõ nhất thông qua các chương trình, sự kiện và câu chuyện liên quan tới chuyển đổi số được điểm lại trong bài viết sau đây:
1. Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam 2021 chính thức khởi tranh
Sáng ngày 18/6, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức lễ phát động giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam 2021, và công bố hệ thống cơ sở dữ liệu công nghiệp ICT. Giải thưởng này được tổ chức nhằm thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp công nghệ số nghiên cứu, phát triển sản phẩm công nghệ số. Đây là con đường để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm chủ cả công nghệ và sản phẩm, đi cùng nhịp với các cường quốc trên thế giới trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ số mới để đất nước độc lập, tự chủ, tự cường.
Các sản phẩm công nghệ số xuất sắc sẽ được trao giải theo 5 hạng mục gồm: Nền tảng số xuất sắc; Sản phẩm số xuất sắc; Giải pháp số xuất sắc; Thu hẹp khoảng cách số; Sản phẩm số tiềm năng.
Thời gian nhận đăng ký tham gia giải là từ 20/6 – 20/9/2021.
2. Phát động chương trình Viet Solutions 2021 – Cuộc thi tìm kiếm giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
Ngày 10/6, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) công bố mùa giải thứ 3 – Viet Solutions 2021. Đây là cuộc thi nhằm tìm kiếm giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Trong mùa giải năm 2021, Viet Solutions mở rộng tiếp nhận cả các ý tưởng công nghệ.
Với thông điệp “Cộng hưởng để kiến tạo xã hội số”, đối tượng hướng đến của Viet Solutions 2021 là các cá nhân, tổ chức đang sinh sống, học tập và làm việc ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Các ý tưởng, sản phẩm công nghệ tập trung vào 10 lĩnh vực là y tế; giáo dục; tài chính – ngân hàng; nông nghiệp; giao thông vận tải – logistics; năng lượng; tài nguyên – môi trường; sản xuất công nghiệp, giải pháp giải trí – tiện ích và quản lý doanh nghiệp.
Các đội xuất sắc nhất vòng đấu loại sẽ được đào tạo nâng cao kỹ năng khởi nghiệp bởi các chuyên gia đến từ các trường đại học kinh tế hàng đầu như Harvard, Quỹ đầu tư thiên thần quốc tế và các CEO danh tiếng.
Viet Solutions 2021 sẽ tiếp nhận hồ sơ dự thi từ nay cho đến ngày 15/8/2021.
3. Tập đoàn công nghệ Bkav và Công ty Cổ phần Biển Bạc hợp tác phân phối camera AI View
Sáng 15/6, lễ ký kết hợp tác phân phối camera an ninh AI View giữa Tập đoàn công nghệ Bkav và Công ty Cổ phần Biển Bạc đã diễn ra tại Hà Nội. Cụ thể, các dòng camera an ninh AI View do Bkav sản xuất từ bây giờ sẽ chính thức được Biển Bạc phân phối tại thị trường Việt Nam.
AI View được Bkav ra mắt giữa năm 2020, là một trong những camera an ninh đầu tiên trên thế giới tích hợp thành công trí tuệ nhân tạo AI. So với những dòng camera thông thường, camera AI giúp tiết kiệm chi phí đầu tư server, đường truyền cho khách hàng. Dữ liệu hình ảnh sẽ được xử lý AI real-time ngay tại camera, không cần truyền về server, giảm độ trễ trong xử lý thông tin và đảm bảo tính riêng tư cho khách hàng. Hiện tại, sản phẩm đã xuất khẩu sang Mỹ, thị trường khó tính bậc nhất thế giới.
Theo chia sẻ của ông Trần Văn Dũng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Biển Bạc, việc công ty hợp tác với Bkav về giải pháp camera AI View sẽ là cơ hội giúp nâng cao công nghệ an ninh của Việt Nam ngang tầm thế giới. Đồng thời, sản phẩm Camera AI View của Bkav sẽ được Biển Bạc ứng dụng trong việc bảo vệ biên giới, giám sát an ninh trật tự, bài toán giao thông, cảnh báo cháy rừng… Qua đây, Biển Bạc sẽ giúp thúc đẩy công nghệ an ninh Việt, góp phần tăng cường năng lực bảo vệ an ninh quốc gia ngày một tốt hơn.
4. AppsUP 2021 – Cơ hội cho các ứng dụng đổi mới sáng tạo trên toàn cầu
Huawei Mobile Services (HMS) đã phát động cuộc thi AppsUP năm thứ hai với giải thưởng tiền mặt trị giá 200.000 USD tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đây chính là nỗ lực của Huawei nhằm tạo ra một hệ sinh thái mới về ứng dụng, dịch vụ đám mây và cộng đồng các nhà phát triển, thay thế cho Google Mobile Services (GMS).
Cuộc thi AppsUP 2021 sẽ được tổ chức riêng biệt tại 5 khu vực bao gồm Châu Á – Thái Bình Dương, Châu Âu, Châu Mỹ Latinh, Trung Quốc Đại lục, Trung Đông và Châu Phi. Riêng cuộc thi ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm nay sẽ có 10 hạng mục để thí sinh tham gia giải thưởng như: Ứng dụng hay nhất, Game hay nhất, Ứng dụng có tác động lớn nhất đến xã hội, Ứng dụng danh dự và Ứng dụng được yêu thích nhất…
20 ứng dụng nổi bật nhất sẽ được ban tổ chức lựa chọn dựa trên giá trị xã hội, giá trị kinh doanh, trải nghiệm người dùng và tính đổi mới sáng tạo. Đây là cơ hội để các ứng viên trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương được mở rộng mảng hỗ trợ kỹ thuật, bao gồm việc được tham gia các buổi hội thảo huấn luyện thực hành từ các kỹ sư hàng đầu của Huawei và các giám khảo khách mời. Những ứng viên lọt vào vòng chung kết cũng có thể nhận được khoản tiền mặt lên tới 200.00 USD, cùng cơ hội tham gia chiến dịch quảng bá truyền thông và marketing trên toàn cầu với Huawei.
Thời gian đăng ký tham gia chương trình bắt đầu từ 20/6 đến hết 20/8/2021
5. Chính thức ra mắt Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân
Chiều 20.6, tại Bộ Công an, Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư, Căn cước công dân (CCCD) chính thức được thành lập. Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an. Mục tiêu của trung tâm hướng là cung cấp các sản phẩm và dịch vụ chất lượng giúp thúc đẩy chính phủ điện tử, chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam. Theo đó, trung tâm sẽ giúp giảm thiểu các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian đi lại và tiền bạc cho nhân dân.
Đồng thời, Trung tâm cũng đã phát triển một số sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng hoạt động như: dịch vụ tư vấn kiểm soát sử dụng thẻ CCCD phục vụ kiểm soát an ninh thông qua thẻ CCCD; thiết bị thu nhận vân tay, thiết bị đọc chip, một số kết quả thống kê phân tích dữ liệu… Các giải pháp này góp phần giúp doanh nghiệp phát triển kinh tế hiệu quả mà vẫn đảm bảo tính bảo mật và tin cậy.
6. EVNGENCO 2 nghiên cứu triển khai số hóa 3D thiết bị nhà máy điện
Nhờ những tiến bộ vượt bậc của các lĩnh vực công nghệ điện toán đám mây, vạn vật kết nối (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI)… xây dựng “Nhà máy số” không còn là cuộc chơi của riêng các tập đoàn hàng đầu thế giới. Theo đó, tổng công ty phát điện 2 (EVNGENCO 2) cũng đang tích cực nghiên cứu, hợp tác với các hãng giải pháp công nghệ hàng đầu thế giới như Autodesk, Bentley, IBM…từng bước làm chủ công nghệ, áp dụng để chuyển đổi số ở lĩnh vực sản xuất, tiến tới là một đơn vị tiên phong trong xây dựng “Nhà máy số” ở Việt Nam.
Hiện tại EVNGENCO 2 đang nghiên cứu và thực hiện các thủ tục triển khai đề án số hóa 3D tất cả thiết bị, kết cấu, chi tiết máy… trong nhà máy điện. Trước mắt, sẽ tiến hành thí điểm số hóa 3D các thiết bị, hệ thống trong Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn (thuộc Công ty Nhiệt điện Cần Thơ).
Tổng hợp bởi iCheck từ Internet.