Mã vạch đã sử dụng có thể chuyển nhượng lại không?
Hỏi: Công ty tôi có đăng ký mã vạch cho dòng son tự sản xuất từ năm ngoái, nhưng năm nay chuyển mục tiêu kinh doanh nên không có nhu cầu sử dùng tiếp. Vậy, công ty có quyền chuyển nhượng và ủy quyền sử dụng mã vạch cho tổ chức/doanh nghiệp khác hay không?.
Trả lời
Công ty Cổ phần iCheck cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chuyên mục Hỏi đáp của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, iCheck đã tìm hiểu và tổng hợp những tư vấn từ các công ty luật và xin được trả lời như sau:
Có được chuyển nhượng mã vạch từ công ty này sang công ty khác hay không?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Quyết định số 15/2006/QĐ-BKHCN ngày 23 tháng 8 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành “Quy định về việc cấp, sử dụng và quản lý mã số mã vạch”, sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 16/2011/TT-BKHCN sửa đổi “Quy định về cấp, sử dụng và quản lý mã số mã vạch” kèm theo Quyết định 15/2006/QĐ-BKHCN do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành như sau:
“1. Tổ chức/doanh nghiệp không được chuyển nhượng quyền sử dụng MSMV đã được Tổng cục TCĐLCL cấp cho tổ chức/doanh nghiệp khác.”
Như vậy, tổ chức/doanh nghiệp không được chuyển nhượng quyền sử dụng MSMV đã được Tổng cục tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp cho tổ chức/doanh nghiệp khác.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều này quy định như sau:
“2. Tổ chức/doanh nghiệp khi muốn ủy quyền cho cơ sở liên doanh hoặc gia công chế biến sản phẩm của mình sử dụng MSMV đã được Tổng cục TCĐLCL cấp để in trên sản phẩm liên doanh sản xuất hoặc theo hợp đồng gia công chế biến, Tổ chức/doanh nghiệp phải có văn bản ủy quyền (thư ủy quyền, hợp đồng sử dụng hoặc các hình thức ủy quyền khác) có xác nhận của Tổng cục TCĐLCL và gửi cho đối tác liên doanh hoặc gia công chế biến sử dụng làm bằng chứng được ủy quyền.”
Do vậy, tổ chức/doanh nghiệp được ủy quyền sử dụng mã vạch sản phẩm cho tổ chức/doanh nghiệp khác, khi ủy quyền sử dụng phải có văn bản ủy quyền: thư ủy quyền, hợp đồng sử dụng hoặc các hình thức ủy quyền khác có xác nhận của Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng và gửi cho đối tác làm bằng chứng được ủy quyền.
Xem thêm: Phạt tới 50 triệu đồng khi vi phạm quy định về sử dụng mã số mã vạch
Một số lưu ý với công ty muốn chuyển nhượng và công ty nhận chuyển nhượng
Tạm gọi công ty muốn chuyển nhượng mã vạch là công ty A, công ty nhận chuyển nhượng là B, cả hai công ty cần lưu tâm một số vấn đề như sau:
Công ty A
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư 16/2011/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định về cấp, sử dụng và quản lý mã số mã vạch” ban hành kèm theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BKHCN thì: “Khi tổ chức/doanh nghiệp sử dụng mã số mã vạch muốn ngừng sử dụng mã số mã vạch phải thông báo bằng văn bản và nộp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch cho Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng thông qua các tổ chức tiếp nhận hồ sơ. Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng ra quyết định thu lại mã số đã cấp và Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch, thông báo cho tổ chức/doanh nghiệp sử dụng mã số mã vạch và công bố rộng rãi cho các tổ chức có liên quan biết.”
Công ty B
Công ty B xin đăng ký sử dụng mã số mã vạch mà công ty A đã sử dụng. Thủ tục gồm các giấy tờ sau:
- Công văn xin sử dụng lại mã số mã vạch của công ty A
- Hồ sơ đăng ký sử dụng mã số mã vạch
- Bản sao giấy phép kinh doanh.
- Đóng phí đăng ký và duy trì năm đầu tiên như với 1 công ty đăng kí mới.